Thư Ngỏ BTC PBCHN 2020 Nam California Hoa Kỳ

Kính thưa quý Thầy Cô cùng các Anh, Chị, Em. Cựu Học Sinh Phan Bội Châu.      Thật là niềm vinh dự lớn lao cho nhóm cựu HS PBC Nam Ca...

Saturday, June 10, 2017

Cánh Hạc Hoàng Hôn. VHLA

Luận bàn về chủ đề “Cánh hạc hoàng hôn chiều về” là đề tựa của nét ảnh thẩm mỹ của nghệ sĩ Võ Thạnh Văn (*) được dùng làm trang bìa cho sách "Minh Đức Hoài Trinh: Chính Khí Của Người Cầm Bút". Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh xuất dương du học bên Âu châu, dù ảnh hưởng nền văn minh Pháp quốc bà học ngành báo chí, nhưng vẫn giữa bản sắc người Việt Nam, qua văn chương, qua tư tưởng và cuộc sống, hay nội tâm dành trang trọng cho quê hương. Điều hiển nhiên là vậy.

Khi trở về quê nhà Việt Nam, trong cuộc đời làm ký giả là những chuỗi ngày dấn thân lăn lộn làm phóng viên chiến trường, rồi đấu tranh dành chính nghĩa của Văn Bút Việt Nam Cộng Hòa, đấu tranh cho quyền của người cầm bút, quốc tế vận để chế độ Cộng Sản được thả ra khỏi trại tù,... Những chính khí của người cầm bút được đặt cho tựa sách, trao tặng tước hiệu như vậy cho ngòi bút bất khuất, không bẻ cong ngòi bút, sống với cái tâm "Chân Thiện Mỹ", với cái dũng "Uy Vũ Bất Năng Khuất" được Ban Biên Tập chọn lựa. Đó là cánh hạc mảnh mai nhưng kiên cường, thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Cánh hạc bôn ba trôi nổi vì lương tâm, vì chính đạo và vì chính nghĩa, nay bóng tà dương về chiều là lúc mà Ban chủ trương muốn hình thành sách trong ý niệm đó.

Ngày hôm nay cánh hạc bay trong trời chiều, buổi hoàng hôn cuộc đời trong bức ảnh đẹp mắt, một "sharp shot" của nhà thơ nghệ sĩ Võ Thạnh Văn, thuộc nhóm Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ Bắc California. Ông nhận chân ra điều thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh vốn thích tranh hội họa thiền tĩnh, tranh hội họa thủy mặc của trường phái đông phương. Tranh dù là thiền tĩnh hay thủy mặc thì hạc là một trong những yếu tố chính góp phần ý nghĩa cho bức tranh. Thực vậy, âu đó cùng là biểu tượng chí lý trong nhiên nhiên và trong văn học nghệ thuật.
* Trong văn học đông phương dù Hoa, Việt, Nhật,... như trong thi ca Đường thi. 

Tác phẩm điển hình mô tả về cánh hạc bay trong thơ của thi sĩ Thôi Hiệu. Người thơ cưỡi chim vàng bay đi mất hút, để lại lầu gợi hứng thơ. Thi nhân lên lầu cao, rồi ít lâu sau người cũng "bay" đi mất về vùng trời an lạc, cõi xa xăm để lại bài thơ bất hủ. Hoàng Hạc Lâu có lẽ là bài thơ Đường được nhiều thi nhân Việt chú ý và dịch nhất ra nhiều phiên bản khác nhau tùy ý cảm tác.
Về mặt lịch sử và địa lý, Lầu Hoàng Hạc vốn là đài quan sát quân sự được xây từ thời Tam Quốc, ở bờ nam sông Trường Giang, thuộc địa phận nước Ngô, rồi khi nước Ngô bị diệt vong thì đài không còn ý nghĩa quân sự quan trọng nữa. Từ đó do được xây ở nơi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ nên lầu Hoàng Hạc dần trở thành tụ điểm thi ca của tao nhân, mặc khách ghé đến thuởng ngoạn hay trao đổi những áng thi phú, bài Hoàng Hạc Lâu của thôi hiệu là diển hình.

Thơ nguyên văn

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.


Diễn dịch nghĩa
Lầu Hoàng Hạc

Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi rồi
Đất này nay chỉ còn trơ tòa lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một bay không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn thong thả lửng lơ bay
Sông tạnh nom rõ hàng cây trên đất Hán Dương
Cỏ thơm xanh tốt trên bãi Anh Vũ
Chiều xuống, quê nhà không biết ở phương nào
Khói sóng trên sông khiến lòng buồn bã.
 


* Còn về thi ca Việt Nam cũng dùng cánh hạc bay:
Trong các bài thi cảm, thi nhân Sa Giang Trần Tuấn Kiệt vốn thích đem cánh hạc vào thơ của ông vào 5 trong số nhiều thơ hạc của ông như sau:


Bên Song Trần Giới
Non thần xa cách ngàn xưa
Hạc về gợi tiếng sầu đưa muôn trùng
Bến bờ sóng lớp mênh mông
Trăng khuya vàng rụng mấy tầng trời xa
Con thuyền giọng hát đêm qua
Ngở như Thần Hạc ngân nga giữa trời
Giòng sông chảy lạnh về khơi
Mộng trường sinh cuộn bến đời ngược xuôi


Niềm Hoan Hỉ
Trăng say đêm tỏa sáng
Bừng vui đón hạc về
Lòng sông sâu vô hạn
Bóng Hạc động hồn khuya


Hạc Thiêng
Thơ bay vàng cánh hạc chiều
Núi sông trăng mới bên triều biển xanh
Mươi năm lỡ bước thị thành
Mộng đời ủ lại mái tranh sau vườn
Bao người đánh mất quê hương
Trăm năm hiện hữu ai buồn vì ai!
Tuổi đời mỏng cánh hạc bay
Động lòng thiên cổ gió mây qua đèo


Hạc Đậu
Bến hồng bóng hạc về khuya
Nghe như băng giá trời chia bến bờ
Trăng sao thu khói tỏa mờ
Nhành cao Hạc đậu bên bờ lau không


Giấc Mơ Nào
Đêm khuya dạo khúc hạc cầm
Gió thu mát dãy sông Ngân bến bờ
Trời đầy mộng với cung tơ
Nỉ non xa vắng bụi mờ thinh không
Tóc mây ai vuốt nên giòng
Thơ bay cánh hạc lượn vòng thời gian
Lửa hương về với cung đàn
Giấc mơ thế kỷ muộn màng về khuya


Về hạc qua thi ca của Thế Lữ trong bài "Tiếng Sáo Thiên Thai":

Trời cao, xanh ngắt,... Ô kìa,
Hai con hạc trắng bay về Bồng-lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga

...

Còn thi nhân Đỗ Lanchy ghi nhận cánh hạc bay trong bài "Ta Về":

Ta về lay ánh trăng ngà
Ta về vớt giải ngân hà chân mây
Rong rêu phù phiếm trên tay
Gánh thơ cỡi cánh hạc bay lên ngàn

...

Tác giả Nuoc Mat Mua Thu trong bài “Về Đâu Hỡi Hạc”:

Buồn như cánh hạc giữa trời thu
Gọi bạn trong đêm sương mịt mù
Đánh thức hồn thơ ta đã ngủ
Bên dòng đời nghiệt chốn phù du

...

Thi nhân Vũ Kim Thanh qua bài “Cánh Hạc Đêm Trăng”:

Người như cánh hạc êm đềm
Xuyến xao mây gió ấm êm tình người
Lời Thơ kia vẫn thắm tươi
Nở trong đêm tối nụ cười hiền nhân

...

Bài thơ "Nhớ Nhà" của Việt Hải Los Angeles ghi nhận cánh hạc bay xa:

Ngàn mây cánh hạc bay xa
Chân trời thăm thẳm chiều tà hoàng hôn
Buồn trong nỗi nhớ chiều hôm
Quê nhà cách trở chín hồn nhớ thương

...

* Về cánh hạc bay trong văn chương Nhật:
Thơ Haiku thường dùng 4 mùa trong năm làm thi cảm, mùa thu vẫn hấp dẫn thi nhân hơn cả. Lá thu phong ửng đỏ, hoa cúc vàng, vàơ triệu nhan tím là ba hình ảnh hoa thơ đẹp nhất và đặc trưng cho sắc thu, hương thu, vị thu trong thơ Haiku. Hơn một ngàn năm trôi qua rồi mà các thi nhân Nhật vẫn còn xao xuyến, rung động khi nghe lời thầm thì cùng lá đỏ trong bài thơ Manyoshu (Vạn Diệp Vận, tức Ngàn Chiếc Lá) khuyết danh dưới đây, Manyoshu tương tự như thi tập Koifusso (Hoài Phong Tảo, tức Hoài Niệm Thi Ca), duy có điều Manyoshu gồm 2 thể thơ phổ thông Nhật Bản, mang đậm nét thơ cách tân Waka và thơ thuần Nhật Haiku; còn thi tập Koifusso gồm những bài thơ có gốc Đường thi, từ căn bản Hán văn. Văn hóa Nhật vốn phong phú thi ca. Manyoshu và Koifusso là những tập thi ca văn học loại truyền thống đại chúng, những thi ca cổ xưa:

 
Đàn nhạn bay về,
cây phong của ta ơi
đến lượt em rồi đó
đã sang mùa
em hãy đổi màu đi!

Khi người yêu tôi
mặc áo trắng đi ngang đồi
vương vào lá
vì đang là mùa thu.

(Khuyết danh, Manyoshu)


Bài thơ trên mô tả cánh nhạn bay khi giao mùa phong thu lãng mạn, tác giả tương lòng "ta nhó em". Bài kế tiếp là thơ thi hào thiền sư Matsuo Bashō, cũng mang hình bóng nhạn bay:

Biển tối sầm
tiếng nhạn
phơn phớt trắng.

(Haiku Basho)


Khi cảm nhận sắc màu của vạn vật trong không gian thu, nhân vật trữ tình ẩn tàng trong những bài thơ Haiku trên đã có một năng lực trực cảm kỳ lạ đó là sự chuyển đổi cảm giác. Bài thơ mang sắc màu đen tối u sầm của biển tương phản và làm nổi bật màu phơn phớt trắng cánh nhạn bay qua, và dáng là đà tung cánh cùng tiếng nhạn. Tiếng nhạn trên biển cả không phải được nghe bằng tai không mà cần được thấy bằng tận mắt ta. 


Trong rừng văn học Phù Tang, cánh nhạn còn nổi bật hơn qua phong văn của nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari, sinh ngày 11/6/1899 và mất ngày 6/4/1972 . Ông đoạt giải Nobel văn học 1968, trong tác phẩm trứ danh "Ngàn Cánh Hạc" (Sembazuru, 1949), mà tên tiểu thuyết trong Anh ngữ là "Thousand Cranes", dùng ẩn ý hạc nói lên nỗi lòng hay nội tâm của giới phụ nữ. Văn phong ông nhuốm nét đặc biệt tạo sự xúc cảm cho người đọc khi miêu tả nét lãng mạn trữ tình về cuộc sống thiên nhiên và số phận con người u ẩn nỗi buồn trong xã hội khép kín của Nhật nói riêng, hay đông phưong nói chung, Kawabata gợi nên sự phù du thoáng chốc của thời gian và sự ngắn ngủi của cuộc đời vô thường.
Kawabata Yasunari đã đươc nước Nhật và thế giới tôn vinh như một nhà văn lớn vì văn chương ông mang phong thái nhân bản, sự thông cảm văn hóa giữa người và người, đọc những tác phẩm của ông ta cảm nhận sự truyền đạt chuyển tải những nhận thức văn hóa mang vẻ đẹp thanh tao thẩm mỹ giữa con người và thiên nhiên, văn ông có triết lý sâu xa về đạo đức qua phong cách nghệ thuật độc đáo, do đó đóng góp vào nhịp cầu nối kết tinh thần hòa hợp Đông - Tây, như Rabinadrath Tagore của Ấn Độ theo cung cách như vậy Stockholm đã trao giải Nobel Văn học năm 1968 của Viện Hàn lâm Thụy Điển dành sự danh dự cho văn chương Kawabata.
Tưởng cũng ghi nhận thêm từ năm 1948 đến 1965 Kawabata giữ chức vụ chủ tịch Hội Văn bút Nhật Bản, sau năm 1959 ông là phó chủ tịch Hội Văn bút Quốc tế. Năm 1953 Kawabata trở thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nhật Bản. Năm 1959 ông được tặng Huân chương cao quí của nước Đức mang tên Goethe cấp tại Frankfurt.



Ban Biên Tập xin cám ơn quý tác giả thi, văn, tranh họa, ảnh, thư pháp dùng trong bài này, đặc biệt bức ảnh bìa, cũng như quý tác giả có tác phẩm đóng góp trong sách "Minh Đức Hoài Trinh: Chính Khí Của Người Cầm Bút". Khi đề cặp nhà văn Minh Đức Hoài Trinh vì những đóng góp trong nhiều lãnh vực khác nhau, một ngòi bút thủy chung với văn hóa dân tộc, vì lương tâm con người, vì lý tưởng quốc gia, cánh nhạn bôn ba thăng trầm, nhưng luôn lưu giữ "Chính Khí Của Người Cầm Bút", đấy là lòng cảm kích sâu xa khi chúng tôi thực hiện ấn phẩm này trên tay quý độc giả.
VHLA - tm. BBT

No comments:

Post a Comment